Những ngày qua, một số phụ huynh phản ánh về việc cô P.T.P.L., giáo viên dạy hóa ở Trường THPT Nguyễn Văn Linh, TPHCM "ép" học sinh lớp 12 đi học thêm.
Những ngày qua, một số phụ huynh phản ánh về việc cô P.T.P.L., giáo viên dạy hóa ở Trường THPT Nguyễn Văn Linh, TPHCM "ép" học sinh lớp 12 đi học thêm.
Những quy định mở lớp dạy thêm, học thêm tại nhà
Hỏi: Tôi là giáo viên đang công tác giảng dạy tại một trường trung học cơ sở ở TP.HCM. Hiện nay, tôi muốn mở một lớp dạy thêm cho một nhóm khoảng 10 em học sinh cấp 2 thì có cần xin giấy phép dạy thêm? Nếu cần thì thủ tục như thế nào? Tôi phải xin giấy phép của chính quyền địa phương hay phòng đào tạo giáo dục?
Chào bạn! Dựa trên thông tin mà bạn cung cấp, Luật Nghiệp Thành xin được tư vấn như sau:
Vì đã có sửa đổi những nội dung về mở lớp dạy thêm nên với trường hợp của bạn là mở lớp dạy thêm ngoài nhà trường thì sẽ không cần phải xin cấp giấy phép nữa.
Dạy thêm, học thêm là hoạt động dạy học phụ thêm có thu tiền của người học, có nội dung theo chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) nhưng ngoài kế hoạch giáo dục của chương trình GDPT do Bộ GD&ĐT ban hành.
Trong đó, bao gồm dạy thêm, học thêm trong nhà trường và ngoài nhà trường.
Với trường hợp của bạn thì sẽ thuộc trường hợp dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường. Đây là hoạt động không do các cơ sở giáo dục công lập bao gồm: cơ sở giáo dục phổ thông; trung tâm dạy nghề; trung tâm giáo dục thường xuyên; trung tâm học tập cộng đồng; trung tâm ngoại ngữ, tin học tổ chức.
Hiện nay, đa phần các giáo viên sẽ mở những lớp dạy thêm với quy mô nhỏ lẻ như tại nhà hoặc sẽ thuê các phòng học, cơ sở bồi dưỡng văn hóa, trung tâm, khu vực lân cận nhà trường, v.v… nhằm đáp ứng nhu cầu bổ trợ kiến thức cho các em học sinh và đây cũng là yêu cầu của các phụ huynh. Nhưng trên hết phải dựa theo sự tự nguyện của học sinh và được phụ huynh học sinh đồng ý. Hiện tại, hoạt động dạy thêm học thêm ngoài nhà trường không cần phải xin cấp phép của Sở GDĐT nữa, vậy có những cơ sở pháp lý nào quy định cụ thể mà các giáo viên cần được biết hay không? Dưới đây sẽ nêu cụ thể một số quy định pháp luật có liên quan, bạn đọc hãy cùng tham khảo.
Cụ thể, tại Phụ lục IV Mục số 152 Luật Đầu tư 2014 đã nêu “Dịch vụ tổ chức dạy thêm học thêm”. Theo đó, điều kiện để mở dịch vụ tổ chức dạy thêm học thêm được quy định tại các luật, pháp lệnh, nghị định và Điều ước quốc tế mà CHXHCNVN là thành viên. Bộ, cơ quan ngang bộ, HĐND, UBND cấp cấp, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác không được ban hành quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh nữa.
Do đó, Thông tư do Bộ GDĐT ban hành quy định về dạy thêm học thêm trong đó có đưa ra các điều kiện tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường sẽ hết hiệu lực. Cụ thể hơn, Quyết định 2499/QD-BGDDT cũng đã công bố hết hiệu lực các quy định trên.
Hiện nay, Luật Đầu tư 2020 đã có hiệu lực, nhưng ngành nghề “Dịch vụ tổ chức dạy thêm học thêm” không còn liệt kê trong danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện tại Phụ lục IV.
Nghĩa là các cá nhân, tổ chức nếu muốn mở lớp dạy thêm tại nhà ngoài nhà trường thì không cần phải cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm.
Vì thế, các cá nhân, tổ chức có nhu cầu mở lớp dạy thêm ngoài nhà trường thì sẽ chỉ cần đăng ký kinh doanh tùy thuộc quy mô lớn hay nhỏ, như có thể lựa chọn thành lập Hộ kinh doanh tại Phòng ĐKKD cấp huyện hoặc thành lập Doanh nghiệp tại Sở kế hoạch đầu tư cấp tỉnh mà không cần phải xin Giấy phép tại Sở GDDT như trước kia.
Đối với các cá nhân thường tổ chức lớp dạy thêm với quy mô nhỏ có địa điểm cố định, hoạt động thường xuyên thì đa phần sẽ lựa chọn loại hình hộ kinh doanh. Vì thế, tùy thuộc vào doanh thu của hộ/năm bao nhiêu thì đây sẽ là căn cứ để xác định số thuế phải nộp. Với doanh thu từ 100 triệu/năm trở lên thì chủ hộ phải bắt buộc kê khai, đóng thuế bao gồm Lệ phí môn bài, Thuế TNCN, Thuế GTGT. Để biết chi tiết các quy định về hộ kinh doanh bạn đọc có thể tham khảo bài viết “Quy định pháp luật về Hộ kinh doanh”.
Còn cá nhân có nguồn thu nhập từ lớp dạy thêm nhưng không có địa điểm cố định thì sẽ kê khai thu nhập của mình do có phát sinh từ hoạt động dạy thêm để làm căn cứ tính thuế thu nhập cá nhân. Cụ thể với thu nhập dưới 11 triệu đồng/tháng thì sẽ không nộp thuế TNCN.[2] Nếu thu nhập trên 11 triệu đồng/tháng, tùy vào từng trường hợp như có người phụ thuộc, ….sẽ có đóng thuế TNCN hay không.
Dù không còn yêu cầu giấy phép nhưng việc tổ chức lớp dạy thêm vẫn phải tuân theo một số nội dung như sau:
*Nguyên tắc dạy thêm, học thêm:[3]
– Việc dạy thêm, học thêm phải góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, giáo dục nhân các của học sinh. Phải phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý và không gây nên tình trạng vượt sức tiếp thu của người học.
– Không được cắt giảm nội dung trong chương trình GDPT chính khóa để đưa vào giờ dạy thêm. Không được dạy thêm trước những nội dung trong chương trình GDPT chính khóa.
– Học sinh có nhu cầu học thêm phải tự nguyện học thêm và có sự đồng ý của gia đình; không được dùng bất cứ các hình thức nào để ép buộc học sinh và gia đình học sinh đăng ký học thêm.
– Không tổ chức lớp dạy thêm, học thêm theo các lớp học chính khóa như ở trên lớp. Học sinh cùng một lớp dạy thêm phải có học lực tương đương nhau, giáo viên khi sắp xếp học sinh phải căn cứ vào học lực của học sinh.
* Cụ thể là các trường hợp không được dạy thêm:[4]
– Không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.
– Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học (Chỉ trừ tổ chức dạy bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống)
– Cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và trường dạy nghề không tổ chức dạy thêm, học thêm các nội dung theo chương trình giáo dục phổ thông.
– Các giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập
+ Không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhưng được phép tham gia dạy thêm ngoài nhà trường.
+ Không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với các học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của Thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó.
Vì việc tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường không cần giấy phép nên các yêu cầu về người dạy thêm, người tổ chức dạy thêm, cơ sở vật chất sẽ không còn bắt buộc nữa. Tuy nhiên, các cơ sở tổ chức dạy thêm, học thêm ít nhất phải đáp ứng được các điều kiện cơ bản nhất về cơ sở vật chất như địa điểm hợp lý, diện tích trung bình, đầy đủ ánh sáng, bàn ghế đảm bảo; giáo viên có trình độ, bằng cấp; v.v… để mang lại những hiệu quả tốt nhất cho học sinh trong quá trình học tập, tiếp thu kiến thức. Bên cạnh đó, các giáo viên dạy cũng nên lưu ý hành vi “Ép buộc học sinh học thêm để thu tiền” là hành vi bị nghiêm cấm quy định trong Luật Giáo dục 2019.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Nghiệp Thành về “Những quy định mở lớp dạy thêm, học thêm tại nhà”
Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem và mong nhận được phản hồi, chia sẻ và góp ý bổ sung.
Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận
[1] Điều 2 Thông tư 17/2012/TT-BGDDT
[2] Điều 1 Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14 sửa đổi Điều 19.1 Luật Thuế Thu nhập cá nhân 2007
[3] Điều 3 Thông tư 17/2012/TT-BGDDT
[4] Điều 4 Thông tư 17/2012/TT-BGDDT